Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 11
Tháng 10 : 39
Năm 2021 : 1.179
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ưu tiên hàng đầu nhiệm vụ phòng, chống dịch; bảo đảm tuyệt đối an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên trở lại trường học

Chiều 21/8/2021, tại Văn phòng UBND tỉnh, đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang chủ trì hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về công tác chuẩn bị năm học 2021-2022 và tuyển sinh đào tạo nghề. Dự hội nghị tại điểm cầu chính có đại diện lãnh đạo cơ quan, đơn vị: Văn phòng UBND tỉnh, Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Y tế, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các trường cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh: Cao đẳng nghề công nghệ Việt Hàn, Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp, Cao đẳng Ngô Gia Tự. Tại điểm cầu 10 huyện, thành phố có đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, phòng GD&ĐT, phòng Tài chính, Nội vụ.

 

Đồng chí Mai Sơn chủ trì Hội nghị (Ảnh MT Báo Bắc Giang)

Tại hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Nam - Giám đốc Sở GD&ĐT báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021; phương hướng, nhiệm vụ năm học 2021-2022 và công tác chuẩn bị năm học mới của ngành Giáo dục. Theo báo cáo, năm học 2020-2021, Ngành Giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ với chủ đề năm học: Kỷ cương - Nền nếp; Chủ động - Sáng tạo; Chất lượng - Hiệu quả. Trong một năm học bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-9, song Sở GD&ĐT đã thực hiện tốt chức năng tham mưu UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn. Trong năm học, đã tham mưu Lãnh đạo tỉnh ban hành 02 chỉ thị, 01 đề án và nhiều kế hoạch, quyết định phát triển GD&ĐT giai đoạn 2020-2025 theo lộ trình đổi mới. Việc phối hợp với các ngành, các địa phương được thực hiện tốt, các điều kiện đảmbảo chất lượng giáo dục được cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành quan tâm, tích cực ủng hộ, đầu tư, tăng cường, bởi vậy các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm học 2020-2021 đã hoàn thành đạt kế hoạch đề ra. Việc thực hiện chương trình, SGK lớp 1 được chỉ đạo nghiêm túc, triển khai chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả, được Bộ GD&ĐT, phụ huynh đánh giá cao. Chủ động, tích cực phối hợp chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) các lớp 2,3, 6,7 và lớp 10.

Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện đúng với chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Toàn ngành đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh: Vừa phòng, chống dịch vừa duy trì các hoạt động giáo dục. Mặc dù dịch Covid-19 tiếp tục làm gián đoạn quá trình dạy học học kỳ II, song toàn ngành đã chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó kịp thời, điều chỉnh nội dung, chương trình, kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá; nỗ lực tổ chức các hình thức tập huấn, sinh hoạt chuyên môn, bồi dưỡng giáo viên, dạy học trực tuyến và nhiều hình thức dạy học khác để bảo đảm trang bị đủ kiến thức, kỹ năng cơ bản cho HS, kết thúc năm học đúng thời gian quy định, chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn vẫn được duy trì. Đặc biệt đã tổ chức tốt kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2020-2021; xây dựng các kịch bản, phương án, phối hợp với các sở, ngành các cơ quan, đoàn thể, địa phương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022 an toàn, đúng quy chế và đảm bảo mọi quyền lợi của học sinh. Bắc Giang có 01 HS Thủ khoa khối A1 toàn quốc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021; thi chọn học sinh giỏi quốc gia đạt 58 giải, trong đó 16 giải Nhì, 16 giải Ba, 26 giải Khuyến khích; môn Lịch sử 10/10 em đạt giải; xếp thứ 9 toàn quốc về số lượng giải; có 01 HS đoạt Huy chương Đồng Olympic Vật lý châu Âu năm 2021.

Ngành tích cực xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển GD&ĐT, xây dựng cơ sở vật chất trường học, trường chuẩn quốc gia, góp phần giảm tình trạng thiếu lớp học. Toàn tỉnh tỷ lệ kiên cố hóa đạt 91,3%, trong đó mầm non đạt 86,1%, tiểu học đạt 91%, THCS đạt 96,1%, THPT công lập đạt 98,4%. Số trường học đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh là 691 trường đạt tỷ lệ 92,1%, trong đó 231 trường mầm non (đạt 92,8%), 215 trường tiểu học (đạt 98,2%), 211 trường THCS (đạt 90,6%), 34 trườngTHPT (đạt 70,8%).

Chuẩn bị năm học 2021-2022, hiện Sở đang hoàn thiện công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp, cụ thể:

- Lớp 1: Có 38.943 trẻ 5 tuổi vào lớp 1.

- Lớp 6: Tuyển 30.100 HS/30.231 lớp 5, đạt tỷ lệ 99,57%.

- Lớp 10: Theo kế hoạch, dự kiến sẽ tuyển 21.122 HS vào lớp 10 các hệ (đạt 87,36%); trong đó, các trường công lập tuyển 15.282 HS (đạt 63,2%). Khối GDTX dự kiến tuyển 3.365 HS (đạt 13,9% gồm cả các trường nghề); khối ngoài công lập dự kiến tuyển 2.475 HS (10,2%).

Hiện đã phối hợp với Sở Nội vụ thực hiện kế hoạch tuyển dụng giáo viên năm 2021. Toàn tỉnh tuyển sẽ tuyển dụng 560 chỉ tiêu GV, trong đó mầm non 111, tiểu học 280 (trong đó 242 GV văn hóa), THCS 107, THPT 51 GV. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát, sắp xếp đội ngũ đảm bảo đủ tỷ lệ và cân đối về cơ cấu bộ môn chuẩn bị cho năm học mới, đặc biệt ưu tiên bố trí đủ GV thực hiện đổi mới chương trình, SGK GDPT, nhất là cấp tiểu học. Tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tu sửa để bảo đảm cơ sở vật chất cho năm học mới. Tháng 9/2021, các đơn vị trực thuộc sẽ đưa vào sử dụng 111 phòng học 9 phòng bộ môn 1 nhà đa năng, 54 phòng ở ký túc xá, 1 nhà ăn; mở rộng 8.560 m2 đất, với tổng kinh phí 160,6 tỷ đồng; khởi công mới 2 hạng mục công trình, xây dựng 9 phòng học, 1 nhà đa năng, 79 phòng ở HS, 01 nhà ăn, 01 nhà hiệu bộ, khu nhà làm đề thi với tổng dự toán  105,3 tỷ đồng. Các nhà trường đã tiết kiệm chi thường xuyên, học phí để cải tạo phòng học, phòng bộ môn, tu sửa sân chơi bãi tập và cảnh quan khuôn viên nhà trường với 73 hạng mục cải tạo sửa chữa nhà lớp học, phòng bộ môn, sân chơi, nhà vệ sinh... tổng dự toán 48,7 tỷ đồng; mua sắm bổ sung 682 bộ bàn ghế; 52 ti vi; 222 bộ máy vi tính và các đồ dùng thiết bị khác với tổng kinh phí 4,4 tỷ đồng. Các huyện đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học đối với các trường mầm non, tiểu học và THCS, tiêu biểu là Thành phố Bắc Giang, Việt Yên, Lạng Giang, Yên Dũng, Hiệp Hòa. Đặc biệt, Sở GD&ĐT chủ động xây dựng kịch bản tổ chức lễ khai giảng, các hoạt động dạy và học gắn với công tác phòng, chống dịch bảo đảm an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên.

Đồng chí Trần Tuấn Nam – Giám đốc Sở GD&ĐT báo cáo tại Hội nghị (ảnh MT Báo Bắc Giang)

Cũng tại Hội nghị, đồng chí Trương Đức Huấn - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo kết quả công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 39 cơ sở gồm: 3 trường caođẳng, 7 trường trung cấp, 15 trung tâm, 14 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đến đầu tháng 8, các đơn vị mới tuyển sinh được 35% kế hoạch năm. Nguyên nhân là do dịch bệnh Covid-19 trong những tháng vừa qua diễn biến phức tạp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải tạm dừng hoạt động tập trung, không thể tổ chức tư vấn, giới thiệu trực tiếp trong khi nhiều học sinh chưa quen với hình thức nộp hồ sơ trực tuyến.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo 10 huyện, thành phố, đơn vị liên quan tập trung thảo luận về công tác chuẩn bị đội ngũ, cơ sở vật chất cho năm học mới; việc thực hiện hợp đồng bổ sung thêm giáo viên tiểu học hiện còn thiếu để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới; phương án tổ chức khai giảng trong bối cảnh dịch Covid-19 và tổ chức các hình thức dạy học để bảo đảm an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên.

Một số địa phương kiến nghị tỉnh tiếp tục tháo gỡ khó khăn về thiếu giáo viên dạy Tin học cấp tiểu học, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lại số giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật dôi dư để sắp xếp vị trí việc làm phù hợp. (Lạng Giang); bổ sung nhân viên y tế cho các trường mầm non (Lục Ngạn); tăng biên chế cho phòng GD&ĐT (Yên Dũng); đề xuất Sở GD&ĐT sớm hướng dẫn công tác đón học sinh tựu trường, tổ chức khai giảng và dạy học trong bối cảnh dịch Covid-19 (thành phố),…Đại diện Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự đề nghị tỉnh cho phép một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp bổ sung thêm trang thiết bị, cơ sở vật chất, mở rộng quy mô, qua đó tạo sức hút với học sinh; tăng cường tuyên truyền về công tác hướng nghiệp, dạy nghề; tổ chức hội thi học sinh giỏi nghề cấp tỉnh,…

Phát biểu kết luận, đồng chí Mai Sơn nhấn mạnh, để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, hai ngành Giáo dục, Lao động - Thương binh và Xã hội cần tiếp tục bám sát diễn biến của dịch bệnh, linh hoạt điều chỉnh phương thức quản lý, giáo dục, kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến, và các hình thức dạy học khác để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm.

Về phương án đón học sinh trở lại trường học vào ngày 23/8/2021 với học sinh lớp 1 và ngày 01/9/2021 với các khối lớp khác đồng chí yêu cầu căn cứ hướng dẫn của Sở GD&ĐT và các văn bản quy định, tùy tình hình thực tế dịch bệnh, mỗi địa phương chủ động, linh hoạt tổ chức ngày tựu trường và khai giảng cho học sinh với quy mô, hình thức phù hợp, song phải đặc biệt ưu tiên hàng đầu nhiệm vụ phòng, chống dịch, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho học sinh và cán bộ, giáo viên. Nơi nào tình hình dịch ổn định có thể tổ chức khai giảng truyền thống; nơi nào dịch còn phức tạp có thể lùi thời gian tựu trường và tổ chức khai giảng bằng hình thức phù hợp, sau đó tổ chức dạy học bảo đảm nội dung chương trình.

Đồng chí yêu cầu các huyện, thành phố đang trưng dụng các trường tiểu học, THCS làm khu cách ly sớm di chuyển người cách ly sang khu vực khác hoặc trường mầm non để bàn giao cơ sở vật chất cho nhà trường sớm triển khai nhiệm vụ năm học mới (hiện trên địa bàn tỉnh còn 38 cơ sở giáo dục vừa được các huyện kích hoạt làm khu cách ly tập trung, trong đó có 20 trường mầm non, 8 trường tiểu học, 9 trường THCS và Trường PT DTNT Lục Ngạn).

Đối với ngành Giáo dục, cần chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, sẵn sàng áp dụng nhiều hình thức dạy và học khác nhau để bảo đảm cho học sinh được học: học trực tiếp, học trực tuyến, học trên truyền hình và các hình thức dạy học khác, đặc biệt phải chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để ứng phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Các nhà trường phải tận dụng tối đa "thời gian vàng" khi dịch bệnh đang được kiểm soát để triển khai nhiệm vụ trọng tâm của năm học. Đồng chí đề nghị Sở Y tế phối hợp với Sở GD&ĐT sớm có kế hoạch chi tiết về hướng dẫn bảo đảm an toàn phòng dịch trong các cơ sở giáo dục; có phương án tổ chức xét nghiệm tầm soát trong cán bộ, giáo viên và học sinh; tuyên truyền đến thầy cô giáo, học sinh chủ động theo dõi sức khỏe, khi thấy dấu hiệu ho, sốt, khó thở phải báo ngay cơ sở y tế gần nhất để có phương án phòng, chống dịch kịp thời.

Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội và các kênh thông tin trực tuyến kết hợp với trực tiếp để đẩy mạnh công tác tư vấn tuyển sinh; tăng cường ứng dụng số hóa trong quản lý, giáo dục, góp phần nâng chất lượng đào tạo nguồn lao động chất lượng cao của tỉnh. Các cơ quan truyền thông và ngành chức năng tích cực phối hợp tuyên truyền nêu rõ những chính sách ưu đãi của việc học nghề, lợi ích của mô hình giáo dục nghề nghiệp, nhất là mô hình 9+, qua đó thu hút người trẻ đi học nghề, tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian đào tạo, sớm tham gia vào thị trường lao động, tích cực đóng góp cho sự phát triển kinh tế của gia đình và địa phương. Đồng chí đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu tổ chức các cuộc thi tay nghề giỏi hằng năm để tôn vinh giáo viên, học sinh giỏi nghề./.

                                                                                                                                                                                                               TTH, VPS


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Video Clip
Văn bản mới
Tài liệu mới